Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Brazil Lula da Silva. Với những sáng kiến và đề xuất, Việt Nam khẳng định tiếp tục tham gia đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; đồng thời, không ngừng mở ra nhiều hướng hợp tác mới trong quan hệ với các đối tác.

Thủ tướng Chính phủ đã cùng 35 nhà lãnh đạo, đại diện các nước thành viên, các nước đối tác và khách mời của BRICS cùng các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các định chế tài chính phát triển của quốc tế và khu vực tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tăng cường hợp tác đa phương cũng như khẳng định vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu. Thủ tướng đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng, thiết thực, phù hợp với quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực chống chịu với dịch bệnh cũng như các đề xuất phù hợp với mối quan tâm toàn cầu như cải cách thể chế tài chính quốc tế; thúc đẩy liên kết kinh tế Nam-Nam; ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phát triển bền vững; cũng như bảo đảm tiếp cận công bằng các nguồn lực tài chính, công nghệ và y tế cho các nước đang phát triển.

Tại Phiên thảo luận cấp cao về “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò và đóng góp của các nước phương Nam trong quản trị toàn cầu; khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp tại các cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối, giải quyết các thách thức chung, hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn.

Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, niềm tin vào các thể chế toàn cầu bị xói mòn, niềm tin hợp tác đa phương bị suy giảm, niềm tin luật pháp quốc tế bị lung lay, các nước cần tiếp tục đề cao đoàn kết, tăng cường hợp tác và đối thoại nhằm xử lý các thách thức với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, bao trùm. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đưa ra 3 đề xuất quan trọng, thiết thực.

Thứ nhất, BRICS và các nước phương Nam cần tiên phong làm sống động lại hợp tác đa phương, kiên trì đối thoại, hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. BRICS cần tham gia tích cực thúc đẩy cải cách các thể chế toàn cầu như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo hướng đáp ứng thực tế và nhu cầu của các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác Nam-Nam, đẩy mạnh kết nối, xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao về “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo”. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao về “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo”. (Ảnh: TTXVN)

Thứ hai, tiên phong trong thúc đẩy tự do hóa thương mại, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia. Để nâng cao tự chủ chiến lược, BRICS và các nước phương Nam cần tăng cường mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng, huy động và chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án y tế, giáo dục, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba là tiên phong phát huy sức mạnh của AI để phục vụ con người, chứ không thay thế con người. BRICS cần cùng với các cơ chế đa phương thúc đẩy xây dựng hệ thống quản trị AI toàn cầu công bằng, an ninh, an toàn, dễ tiếp cận. Xây dựng hệ sinh thái AI tuân thủ các giá trị đạo đức, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và lợi ích xã hội. Hợp tác xây dựng hạ tầng số, các trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn xanh và hiệu năng cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình AI vì cộng đồng, giúp mọi người dân tiếp cận và hưởng lợi từ AI.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ cùng cộng đồng quốc tế không ngừng phấn đấu, đoàn kết và nỗ lực để xây dựng một hệ thống quản trị toàn cầu bình đẳng, bao trùm và bền vững.

Tại Phiên họp cấp cao về chủ đề “Môi trường, COP30 và Y tế toàn cầu” dưới sự chủ trì của Tổng thống Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh những gì thế giới trải qua sau đại dịch Covid-19, ứng phó thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số cho thấy thế giới chưa thực sự sẵn sàng, các thể chế đa phương chưa đủ gắn kết và hợp tác đủ mạnh để cùng vượt qua khủng hoảng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng lựa chọn đặt ra là cần thay đổi tư duy, đổi mới nhận thức và khẩn trương hành động với tinh thần "cùng đi, cùng đến, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật 5 đề xuất quan trọng. Thứ nhất, thúc đẩy hình thành nhận thức chung, cách tiếp cận chung mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện để bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.

Thứ hai, bảo đảm nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, công bằng, công lý trong giải quyết các thách thức về môi trường và y tế, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, trình độ phát triển và nguồn lực của mỗi quốc gia; kêu gọi các quốc gia phát triển có trách nhiệm thực hiện các cam kết về tài chính, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn tham dự Phiên họp cấp cao về chủ đề “Môi trường, COP30 và Y tế toàn cầu”. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn tham dự Phiên họp cấp cao về chủ đề “Môi trường, COP30 và Y tế toàn cầu”. (Ảnh: TTXVN)

Thứ ba, nỗ lực huy động các nguồn lực đầy đủ và bền vững để hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu và y tế. Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ các ưu tiên của Hội nghị COP30 do Brazil đề xuất, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết đạt kết quả đột phá về tài chính khí hậu tại Hội nghị COP30, khuyến khích các cơ chế tài chính xanh, sáng tạo và sự tham gia mạnh mẽ hơn từ khu vực tư nhân.

Thứ tư, phát huy tối đa vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số để bảo vệ môi trường, phát triển y tế. Các nước cần đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghệ xanh, hạ tầng số, chia sẻ tri thức, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Thứ năm, thúc đẩy cải cách thực chất, hiệu quả thể chế quản trị toàn cầu về môi trường, khí hậu, y tế, đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, hợp tác đa phương, tăng cường sự tham gia thực chất, hiệu quả của các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực, để bảo đảm các cam kết toàn cầu về khí hậu, y tế được thực thi một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh là nền tảng của mọi chính sách phát triển đất nước; đây không chỉ là lựa chọn tự tiên, là yêu cầu khách quan mà còn là mệnh lệnh của thời đại. Thủ tướng khẳng định quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời đóng góp tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế hợp tác toàn cầu về môi trường, khí hậu và y tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ “không có môi trường nào thay thế được Trái Đất, không có hành trang nào quý giá hơn sức khỏe và không có điểm tựa nào vững chắc hơn con người. Chỉ có chung tay hành động, chúng ta mới có thể để lại cho các thế hệ mai sau một hành tinh mạnh khoẻ, một thế giới phồn vinh và nhân loại hạnh phúc”.

Việt Nam đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và tham gia đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị, qua đó làm nổi bật hình ảnh một Việt Nam năng động, nhất quán trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên toàn cầu.

Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao những đề xuất của Việt Nam cũng như đề cao sự chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp vào đoàn kết, tăng cường hợp tác và đối thoại nhằm xử lý các thách thức của cộng đồng quốc tế.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Brazil Lula da Silva và các lãnh đạo Brazil, có các cuộc tiếp xúc, làm việc với các giới, các doanh nghiệp hàng đầu của Brazil và đạt được nhiều kết quả thực chất, phù hợp với nguyện vọng hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Lula da Silva vui mừng nhấn mạnh mặc dù  gặp gỡ, hội đàm nhiều lần, nhưng mỗi cuộc gặp đều có kết quả, sản phẩm mới rất cụ thể, hiệu quả, thực chất. Tiếp nối các cuộc hội đàm trước đây, cuộc hội đàm lần này đã rất thành công với những kết quả cụ thể trên các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sang thị trường quy mô hơn 200 triệu dân rất quan trọng của khu vực Nam Mỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Brazil Lula da Silva. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Brazil Lula da Silva. (Ảnh: TTXVN)

Tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh, mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng khó khăn và thách thức cũng nhiều hơn. Do đó, phải phát huy đoàn kết, thống nhất, đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thương mại tự do, không chính trị hóa thương mại và khoa học-công nghệ để vượt qua khó khăn, thách thức, ứng phó hiệu quả với các vấn đề toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết.

Thông báo về kết quả hội đàm rất tốt đẹp và thành công với Tổng thống Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại ý của Tổng thống Lula khẳng định hai bên sẽ nỗ lực hoàn hảo nhất có thể và hai nền kinh tế có thế mạnh bổ trợ cho nhau rất rõ, thể hiện qua việc “những gì Brazil thiếu thì Việt Nam có tiềm năng, những gì Brazil có thế mạnh thì Việt Nam cần”. Thí dụ như các loại trái cây của hai nước đều rất phong phú nhưng có mùa vụ khác nhau.

Đánh giá hai nước đều có vị trí, vai trò quan trọng tại hai khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á, Thủ tướng mong muốn hai nước sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa hai khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế và đang phát triển năng động này.

Trên cơ sở quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp và những giá trị cốt lõi chung giữa hai đất nước, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối, hợp tác, đầu tư và cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo hai nước. Cụ thể là triển khai 3 lĩnh vực hợp tác trọng tâm và đột phá, gồm nông nghiệp; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, viễn thông; và khai thác, chế biến khoáng sản (đồng, dầu khí…).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Brazil. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Brazil. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp góp phần cụ thể hóa nền tảng chính trị-ngoại giao rất tốt đẹp giữa hai nước thành các biện pháp kinh tế, kết nối doanh nghiệp, kết nối hai nền kinh tế, “đưa tình bạn, tình hữu nghị, sự chân thành kết tinh thành sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được, mang lại lợi ích cho cả hai nước”; cam kết Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Brazil hợp tác đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại Việt Nam.

Làm việc với các tập đoàn kinh tế, công ty lớn của Brazil, như JBS - tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến thực phẩm có trụ sở chính tại Brazil và văn phòng đại diện tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ; Embraer - tập đoàn đa ngành, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực hàng không và công nghiệp vũ trụ do Chính phủ Brazil sở hữu 51%; FS – doanh nghiệp tiên phong tại Brazil chuyên sản xuất ethanol từ ngô; Granja Fujikura - trang trại nông nghiệp công nghệ cao tại Brazil thuộc hệ thống Granja Fujikura của Nhật Bản; Vale - tập đoàn đa quốc gia của Brazil trong lĩnh vực kim loại, khai khoáng và logistics…, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Brazil tiếp tục quan tâm và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, thông qua chuyến thăm, Việt Nam và Brazil đã làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh vai trò của Brazil đang ngày càng cao ở khu vực và thế giới.

Hai bên đã thống nhất những định hướng lớn trong quan hệ, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Nếu cách đây hơn một thập niên, vào năm 2011, kim ngạch thương mại hai nước mới chỉ đạt 1,5 tỷ USD thì ngày nay con số này đã đạt gần 8 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng kim ngạch của Việt Nam với khu vực Mỹ Latin.

Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực quan trọng này. Điều này cho thấy giữa hai nước cần tiếp tục có những biện pháp hợp tác mang tính chiến lược để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa đà tăng trưởng, qua đó phản ánh tính bổ trợ chiến lược giữa hai nền kinh tế nói riêng và với khu vực nói chung.

Tổng thống Brazil khẳng định ủng hộ Việt Nam sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) trong năm 2025 cũng như FTA giữa Việt Nam và Brazil. 

Một trong những điểm nổi bật nhất của chuyến công tác là hợp tác nông nghiệp. Đây là lĩnh vực được hai nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian trao đổi. Với những kết quả tích cực và cụ thể trong mở cửa thị trường nông sản, hai bên nhất trí sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân hai nước cũng như của khu vực có thể tiếp cận, sử dụng các mặt hàng nông sản chất lượng của các doanh nghiệp hai nước.

Hai bên cũng khẳng định đẩy mạnh hợp tác trong ngành cà phê, thúc đẩy hình thành liên minh sản xuất và xuất khẩu cà phê, hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê chung và nâng tầm văn hóa thưởng thức cà phê  gắn với văn hóa hai dân tộc. Đồng thời, với phương châm “tối ưu chi phí, hài hòa lợi ích”, đầu tư sản xuất và chế biến các mặt hàng nông sản tại chỗ cũng là một trong những hướng đi hợp tác mới để tiêu thụ tại hai thị trường và xuất khẩu sang các nước khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký vào thùng hàng tượng trưng sản phẩm cá tra, ba sa và cá rô phi của Việt Nam xuất khẩu sang Brazil. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký vào thùng hàng tượng trưng sản phẩm cá tra, ba sa và cá rô phi của Việt Nam xuất khẩu sang Brazil. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp này, hai nước công bố lô hàng xuất khẩu cá tra-basa và cá rô phi đầu tiên của Việt Nam sang Brazil và lô hàng xuất khẩu thịt bò đầu tiên của Brazil sang Việt Nam. Đây là những mặt hàng nông sản mà hai bên đã “cùng định hình, cùng cam kết và cùng thực hiện”, khởi đầu cho mở cửa thị trường, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản khác trong thời gian tới.

Những lĩnh vực khác như quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khai thác và thương mại khoáng sản, chuyển đổi số, bán dẫn, AI…, cũng được kỳ vọng có những bước chuyển mới với những kết quả phù hợp với định hướng phát triển của mỗi nước. 

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Brazil, nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác được hai bên thống nhất và ký kết. Đáng chú ý là các bản ghi nhớ về hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cùng nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác giữa đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của hai nước cũng đã được ký kết với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva chứng kiến trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Brazil về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva chứng kiến trao Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Brazil về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc tiếp xúc, hội đàm với lãnh đạo các nước thành viên và đối tác BRICS, các nước đang phát triển, các tổ chức quốc tế lớn; qua đó mở ra nhiều định hướng hợp tác mới về chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, và đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các đối tác phát triển thực chất, hiệu quả và đi vào chiều sâu, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Chile Gabriel Boric Font, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu, Phó Tổng thống Uganda Jessica Rose Epel Alupo, Trưởng đoàn Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Maxim Ryzhenkov, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Ahmed Ali Bin Al Sayegh, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Uzbekistan Sodiq Solihovich Safoyev, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần…

Với lịch làm việc hiệu quả, thực chất với gần 40 hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Brazil, lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025, có thể nói chuyến công tác đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của đất nước và làm sâu sắc quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác, bạn bè truyền thống, qua đó thu hút các nguồn lực, nhất là thực hiện các đột phá về khoa học-công nghệ,  thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: VGP)

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, để cụ thể hóa kết quả của chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan ngay lập tức bắt tay vào triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Một là, trong quan hệ với Brazil, tiếp tục dành ưu tiên cao trong triển khai Tuyên bố chung Việt Nam-Brazil và Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất vào tháng 3/2025. Trong thời gian tới, Việt Nam và Brazil sẽ tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao và các cấp nhằm phối hợp triển khai hiệu quả, tích cực thiện chí, quyết tâm và cam kết chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hai là, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, nông nghiệp sẽ là tâm điểm hợp tác trong thời gian tới. Các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam sẽ cần chủ động cùng các đối tác Brazil rà soát và giải tỏa những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hoá, nông sản của nhau.

Đồng thời, với Brazil, các cấp làm việc hai bên cũng sẽ hướng đến sớm hoàn tất ký kết FTA Việt Nam-Brazil cũng như thúc đẩy ký kết Hiệp định về bảo đảm an ninh lương thực ổn định, lâu dài cho Brazil, các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và tạo điều kiện về thị thực đi lại giữa công dân hai nước. Việt Nam cũng sẽ cùng các thành viên khác của MECOSUR khẩn trương đàm phán, sớm ký kết một Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và MECOSUR.

Ba là, tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về chủ động hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, việc Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) mở rộng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)… và gần đây nhất là Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ giúp tranh thủ tối đa các nguồn lực và điều kiện quốc tế thuận lợi cho phát triển đất nước, đa dạng hóa và tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia.

Trên tinh thần đó, Việt Nam khẳng định tiếp tục tham gia đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Ngày xuất bản: 8/7/2025
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỒNG LĨNH
Trình bày: NHÃ NAM