Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Thái Lan, nội các cải tổ được Nhà vua phê chuẩn, nhưng trước khi lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra, Thủ tướng bị đình chỉ chức vụ.
Nội các Thái Lan hiện trong tình trạng rất đặc biệt là nằm dưới sự lãnh đạo của một Thủ tướng tạm quyền. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit trở thành Thủ tướng tạm quyền.
Trong lịch sử Thái Lan, đã có bốn nhân sự đảm nhiệm vị trí Thủ tướng tạm quyền trong các diễn biến chính trị khác nhau. Ba trường hợp đầu tiên xảy ra vào các năm 1992, 2008, 2014. Trường hợp gần đây nhất là ông Prawit Wongsuwan đảm nhận chức vụ Thủ tướng tạm quyền sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ Thủ tướng của ông Prayut Chan-ocha vào năm 2022.
Tại lễ tuyên thệ diễn ra tại Cung điện Dusit, thủ đô Bangkok, Thủ tướng tạm quyền Suriya Jungrungreangkit dẫn đầu 14 nhân sự được bổ nhiệm vào các chức vụ mới trong nội các cải tổ đã tuyên thệ trung thành với Nhà vua Thái Lan.
Theo quy định của luật pháp Thái Lan, sau khi tuyên thệ trước Nhà vua Thái Lan, các thành viên nội các mới có thể thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền chức vụ được bổ nhiệm.
Danh sách nội các cải tổ đã được Nhà vua Rama X phê chuẩn có: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Phumtham Wechayachai; Bộ trưởng Văn hóa Paetongtarn Shinawatra; Bộ trưởng Thương mại Jatuporn Buruspat, Bộ trưởng Giáo dục Narumon Pinyosinwat; Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Atthakorn Sirilatthayakorn; Bộ trưởng Giáo dục đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Sudawan Wangsuphakijkosol; Bộ trưởng Lao động Pongkawin Jungrungruangkit; Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Suchart Tancharoen. Một số Thứ trưởng của các Bộ Giáo dục, Nội vụ, Y tế công cộng và Thương mại cũng thuộc danh sách nội các mới.

Trước đó, ngày 30/6, Nhà vua Rama X đã phê chuẩn danh sách nội các cải tổ, trong đó, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra kiêm nhiệm thêm chức Bộ trưởng Văn hóa.
Tuy nhiên, trưa 1/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan quyết định đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà Paetongtarn Shinawatra sau khi chấp nhận thụ lý đơn kiến nghị yêu cầu bãi nhiệm bà của 36 Thượng nghị sĩ do Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Mongkol Surasajja đệ trình.
Bà Paethongtarn Shinawatra có 15 ngày để làm rõ các nội dung liên quan cáo buộc của nhóm thượng nghị sĩ trước khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết.
Việc xem xét đơn kiến nghị bãi nhiệm một số Thủ tướng trước đây của Tòa án Hiến pháp Thái Lan cho đến khi có phán quyết cuối cùng thường diễn ra từ 45 đến 60 ngày.
Theo Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Jirayu Houngsub, một cuộc họp nội các đặc biệt dự kiến diễn ra chiều 3/7. Nội dung chính trong cuộc họp đầu tiên của nội các mới là quy định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng.
Một số chuyên gia luật cho biết, Thủ tướng tạm quyền có thể điều hành nội các trong một số công việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, tuy nhiên quyền lực có thể bị hạn chế, đặc biệt là việc không thể ra quyết định giải tán Hạ viện.