Tập trung ổn định bộ máy tổ chức chính quyền các cấp, quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8% trở lên

Chiều 3/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6 năm 2025 - Hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc cách mạng có tính lịch sử “sắp xếp lại giang sơn” và chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp từ 1/7 tại 34 tỉnh, thành phố; 3.321 xã, phường, đặc khu trong cả nước. Đây cũng là cuộc họp đánh giá tháng 6, nhìn lại 6 tháng đầu năm 2025 về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.

ndo_br_b4-9953.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã đi qua 1/2 thời gian năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng rất cao, trên diện rộng, trong đó có Việt Nam; xung đột leo thang nhiều hơn, căng thẳng hơn (mới đây là giữa Israel-Iran, Thái Lan-Campuchia); cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại; giá dầu thô, giá vàng biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường tác động ngày càng nặng nề nền kinh tế Việt Nam.

ndo_br_b1-7624.jpg
Quang cảnh hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang sống trong thế giới đầy biến động, bất định, phân cực về chính trị, phân tách về kinh tế, phân mảnh về thể chế, phân hoá về phát triển và giàu nghèo. Ở trong nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ 8 nhiệm vụ quan trọng:

ndo_br_b3-5017.jpg
Hội nghị được truyền trực tuyến tới các địa phương trên cả nước. (Ảnh: Trần Hải)

Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy tổ chức, xây dựng chính quyền 2 cấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 tạo đà, tạo lực, tạo thế tăng trưởng 2 con số những năm tới; tập trung đàm phán thuế quan với Hoa Kỳ, đồng thời mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; trình ban hành và tổ chức triển khai một loạt các Nghị quyết của Bộ Chính trị sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, sau đó Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết để thực hiện như các Nghị quyết 57, 59, 66 và 68-NQ/TW, đi theo đó là các Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện của Chính phủ; chuẩn bị phục vụ chu đáo Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV – kỳ họp “lịch sử” ; Tập trung hoàn thiện các văn kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng; Tổ chức chu đáo, thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm lớn của dân tộc; Triển khai vượt tiến độ phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, nhất là quyết tâm hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

ndo_br_b5-2068.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình phát biểu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực; nổi bật là:

ndo_br_b6-7867.jpg
Các thành viên Chính phủ tham dự hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công thấp hơn nhiều ngưỡng cảnh báo; cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển tích cực; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, an sinh xã hội được chú trọng; đời sống nhân dân được nâng lên; Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; Đối ngoại được đẩy mạnh; giữ vững được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức, các động lực mới chưa phát huy hết, vì vậy cần tăng tốc các động lực tăng trưởng cũ.

ndo_br_b7-2971.jpg
Các thành viên Chính phủ, đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Tại hội nghị này, chúng ta tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm để đánh giá thực sự khách quan về bối cảnh tình hình trong nước, ngoài nước ảnh hưởng trong nước như thế nào? Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có gì đáng chú ý? Đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm? Đã thực sự chủ động, linh hoạt chưa? Tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng qua có điểm gì tốt, đáng quan tâm, điểm gì chưa tốt? Nguyên nhân, bài học kinh nghiệm là gì?

Về tình hình sắp tới, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đưa ra những nhận định, đánh giá những khó khăn; Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và thời gian còn lại của năm 2025. Trong đó lưu ý: năm nay là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cần tập trung ổn định bộ máy chính quyền các cấp, vậy phải làm gì để đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025? Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần tập trung làm gì? Đặc biệt là lưu ý các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, theo đó cuối năm nay phải hoàn thành 3.000km đường cao tốc; từ nay đến 31/8 phải thành công cuộc xoá nhà tạm, nhà dột nát, theo đó Thủ tướng đề nghị lực lượng quân đội và công an tích cực tham gia việc này.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung 6 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực. Bộ Tài chính đã báo cáo và các ý kiến phát biểu đã nêu rõ những kết quả quan trọng đạt được trên các lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh các điểm nổi bật:

Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, tính chung 6 tháng cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá cao; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông; sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc; khách quốc tế phục hồi mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; công tác cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, duy trì được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới cũng như đóng vai trò ngày càng quan trọng, rõ nét trong nền kinh tế khu vực, toàn cầu.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm để hoàn thành xuất sắc 6 tháng đầu năm 2025 thuộc thẩm quyền được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết mâu thuẫn xu hướng tăng trưởng thế giới và khu vực giảm nhưng phải thúc đẩy tăng trưởng trong nước cao hơn 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế tăng trưởng những năm tới.

Thủ tướng yêu cầu “3 tăng tốc”: Tăng tốc, tập trung xây dựng và huy động tổng đầu tư toàn xã hội năm 2025 tăng từ 11-12% so năm 2024. Tăng tốc, bứt phá, phải giải ngân 100% vốn đầu tư công trước ngày 31/12/2025. Tăng tốc dồn lực để hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những gia đình có công với cách mạng trước ngày 27/7 và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào ngày 31/8/2025; hoàn thành vượt mức kế hoạch đầu tư phát triển 100 nghìn căn nhà ở xã hội trong năm 2025.

Thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải quyết kịp thời chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ việc sau sắp xếp tổ chức bộ máy. Bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, phương tiện và tài sản công, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực; ưu tiên sắp xếp, bố trí cho y tế, giáo dục, văn hóa cộng đồng. Triển khai hiệu quả 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền; rà soát, sửa đổi quy hoạch các cấp phù hợp với đơn vị hành chính mới. Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (không duy trì Cổng dịch vụ cấp tỉnh từ 1/7/2025), bảo đảm thông suốt, không để ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân; Tổ chức hiệu quả Bộ phận thường trực tại bộ, cơ quan (đầu mối phụ trách, đường dây nóng), tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp, xử lý vướng mắc phát sinh của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tập trung thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Chúng ta cũng xem đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững theo hướng xanh, số, tuần hoàn; tái cơ cấu thị trường, chuỗi sản phẩm, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tiếp tục chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ cơ quan liên quan nhanh chóng thích ứng với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đặc biệt phối hợp chặt chẽ, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng trên 16%); chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường quản lý thị trường vàng; khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong tháng 7/2025; quyết liệt triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đã có; triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các địa phương phải quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất, tăng nguồn cung cho thị trường, bảo đảm giá bán hợp lý.

Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu trên 20%; đẩy mạnh đầu tư công và thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên theo Nghị quyết Chính phủ) để làm an sinh xã hội. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, lượng tử, sinh học, không gian ngầm, không gian biển, vũ trụ…

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới; đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch trước ngày 31/12/2025; Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; trình dự thảo Nghị định liên quan đồng tiền số trước ngày 15/7 này. Bộ Công thương khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết; thúc đẩy các FTA mới, nhất là với các quốc gia mới nâng cấp quan hệ ngoại giao, khu vực có tiềm năng; dứt khoát không để thiếu điện, thiếu xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam; khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: dự thảo Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam trước ngày 10/7/2025; dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược trước ngày 5/7/2025; dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hóa trước ngày 15/7/2025.

Bộ Xây dựng chủ trì đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia, tập trung hoàn thành thủ tục chuẩn bị khởi công dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, các thủ tục 2 tuyến đường sắt kết nối còn lại; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình khoa học, công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư “đúng, trúng, hiệu quả” tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam; tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Trong đó, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý các dự án vướng mắc, tồn đọng kéo dài.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành văn bản hướng dẫn, kế hoạch triển khai thi hành, tổ chức thực hiện các luật, nghị quyết; tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực.

Bộ Công an chủ trì tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy nhanh việc chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu về dân cư, tư pháp, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, đất đai… Bộ Tư pháp chủ trì trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành các Nghị quyết số 197 và 206 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng, thi hành pháp luật và xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật; phát huy vai trò của Cổng Pháp luật quốc gia.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị. Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 71 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương giao; trình Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Bộ Tài chính trình ban hành kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết số 138 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân; khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ Chính trị Nghị quyết về phát triển kinh tế Nhà nước vào đầu tháng 7/2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong đầu tháng 7/2025. Bộ Y tế tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, công tác dân số và phát triển trong đầu tháng 7/2025; đẩy mạnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử trên phạm vi cả nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn thiện Đề án triển lãm 80 năm; Xây dựng Đề án “Dân tộc hóa văn minh thế giới và quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ra thế giới”…

Có thể bạn quan tâm

OSZAR »